Bài 59: Giờ của Đức Giê-su | Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Bài 59: Giờ của Đức Giê-su | Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B

BÀI 59: GIỜ CỦA ĐỨC GIÊ-SU

LM Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

Chúng ta đang đến gần những ngày cao điểm tưởng niệm công trình cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô. Và Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Mùa Chay ghi lại câu chuyện xảy ra khi Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua lần cuối cùng trước khi Người chịu khổ hình thập giá (x. 2,13 ; 6,4 ; 13,1).

Số là có mấy người Hy-lạp hành hương muốn gặp Đức Giê-su, và họ đã nhờ tông đồ Phi-líp-phê giúp đỡ rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su” (x. Ga 12,20-22). Sau đó, ông Phi-líp-phê và ông An-rê đã đi nói với Đức Giê-su và Đức Giê-su trả lời rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Vậy, những lời này của Đức Giêsu có nghĩa gì? Để hiểu điều đó, trong bài học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của thuật ngữ giờ của Đức Giê-su”.

Trước hết, có nhiều từ ngữ trong Tin Mừng Gio-an được tác giả sử dụng không theo ý nghĩa thông thường mà còn mang những ý nghĩa đặc biệt khác, chẳng hạn như thuật từ “giờ”.

Trong Cựu Ước, các tác giả Sách Thánh thường dùng danh từ êt (עֵת) trong tiếng Híp-ri để diễn tả thời điểm xảy ra một sự kiện nào đó, vì danh từ này có nghĩa căn bản là thời gian, chẳng hạnh như khi ông Mô-sê nói với dân : “Thời ấy, tôi đã nói với anh em : “Một mình tôi không thể gánh vác anh em được. (Đnl 1,9 ; x. 2,34). Trong câu này, “thời ấy” chính là dịch danh từ êt (עֵת). Còn khi muốn nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, người ta sẽ dùng trạng từ ʿattāʰ (עַתָּה). Trạng từ ʿattāʰ (עַתָּה) này thường được dịch là giờ đây”, ví dụ như :

+ “Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta” (Xh 3,9).

hoặc là :

+ “Người nói với tôi : Hỡi Đa-ni-en là người được quý mến, hãy hiểu rõ các lời ta sắp nói với ngươi. Hãy đứng yên tại chỗ ngươi đang đứng, vì giờ đây ta được sai đến với ngươi” (Đn 10,11).

 Trạng từ ʿattāʰ (עַתָּה) cũng có khi được dịch làbây giờ”. Ví dụ như :

+ Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (Xh 3,10).

Nhìn chung trạng từ này được sử dụng rất thường xuyên trong các sách Cựu Ước (425 lần).

Còn trong Tân Ước, các tác giả Sách Thánh sử dụng hơn 100 lần danh từ Hy-lạp hô-ra (ὡρα), có nghĩa là “giờ”. Danh từ hô-ra (ὡρα) này tuỳ theo ngữ cảnh có thể chỉ đến những quãng thời gian xác định hoặc chỉ đến những quãng thời gian không xác định.  

Người Do-thái chia ban ngày thành mười hai giờ (x. Ga 11,9). Như vậy, “giờ” đơn giản chỉ là thời gian một phần mười hai của ngày. Vì thế, có giờ thứ ba là vào khoảng 9 giờ sáng (x. Mt 20,3 ; Mc 15,25 ; Cv 2,15) ; giờ thứ sáu vào khoảng giữa trưa và giờ thứ chín vào khoảng 3 giờ chiều (x. Mc 15,33). Giờ thứ chín cũng chính là giờ tế lễ ban chiều (x. Cv 3,1 ; 10,30).

Còn về những quãng thời gian không xác định như :

+ Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai (Mc 11,11).

+ Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt (1 Cr 4,11).

+ Và chính chúng tôi, tại sao hằng giờ chúng tôi liều mình đương đầu với hiểm hoạ ? (1 Cr 15,30).

+ Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi (Mt 24,36 ; Mc 13,32).

+ Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm (x. Lc 22,53).

Tóm lại trong Tân Ước, danh từ hô-ra (ὡρα) được dùng để chỉ thời gian theo những nghĩa thông thường. Tuy nhiên, cách riêng trong Tin Mừng Gio-an, thì danh từ hô-ra (ὡρα) được dùng khoảng 26 lần, trong đó có 8 lần danh từ hô-ra (ὡρα) được sử dụng với một nghĩa rất đặc biệt là : “giờ của Đức Giê-su” (x. Ga 2,4 ; 7,30 ; 8,20 ; 12,23.27b.c ;13,1 và 17,1).

Đọc kỹ những bản văn trên, chúng ta thấy ở ba bản văn đầu (Ga 2,4 ; 7,30 ; 8,20) tường thuật cho chúng ta biết “giờ của Đức Giê-su chưa tới” nên người ta không thể bắt Đức Giê-su được. Tuy nhiên, trong năm bản văn sau (12,23.27b.c ;13,1 và 17,1) thì trình bày cho chúng ta biết “giờ của Đức Giê-su đã đến” và đó là “giờ mà Con Ngươi được tôn vinh”.

Trong Tân Ước, động từ tôn vinhdok-xa-zô (δοξάζω) xuất hiện khoảng 60 lần thì đã có tới 23 lần là trong Tin Mừng Gio-an. Động từ này đôi lần được dùng ở dạng chủ động (12,28 ; 17,4), còn thường xuyên ở dạng thụ động, nghĩa là “được tôn vinh”. Ví dụ như khi Đức Giê-su nói với các ông Phi-líp-phê và An-rê : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (12,23). 

Song song đó, Tin Mừng Gio-an còn dùng động từ hyp-soô (ὑψόω) có nghĩa là “giương cao” để diễn tả ý nghĩa“được tôn vinh”. Ví dụ : “như Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3,14 ; x. 8,28 ; 12,32.34).

Như vậy, tác giả sách Tin Mừng Gio-an đã dùng hai cách nói : được tôn vinh và được giương cao nhằm ám chỉ đến cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Và theo đó “giờ của Đức Giê-su” chính là “giờ mà Người được tôn vinh, được giương cao trên thập giá”.

Sự kiện này là cao điểm của công trình cứu chuộc nhân loại đã được Đức Giê-su thực hiện như lời Người tiên báo : “Khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32), nghĩa là cái chết của Đức Giê-su trên thập giá sẽ cứu chuộc toàn thể nhân loại.

Đến đây chúng ta hiểu tại sao khi ông Phi-líp-phê thưa với Đức Giê-su về việc những người Hy-lạp muốn gặp Người, nhưng Đức Giê-su không trả lời trực tiếp mà dùng cách gián tiếp khi nói : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.

Như vậy, chúng ta thấy “giờ của Đức Giê-su” mang một ý nghĩa sâu xa, vì “giờ đó” mang tính quyết định cho ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

“Khi đến Giờ của Người, Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giê-su vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người” (GLHTCG 2746).

Cầu nguyện

Chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Giê-su qua Lời cầu nguyện trong Giờ của Người :

“Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. […] 4“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. […]

10Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. […]

17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

24“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top